Cuộc chơi nghiêng về bên mua
Rao bán căn nhà 1 trệt 3 lầu nằm trong hẻm xe hơi trên đường Tăng Bạt Hổ (Bình Thạnh, TP.HCM) với giá 16 tỷ đồng, anh Đinh Quang Thắng, chủ căn nhà cho biết đang phải chấp nhận thương lượng lần thứ 2 với bên mua để hạ thêm giá bán giảm xuống gần 500 triệu đồng. Dù đã lường trước tình hình khó khăn và dự kiến sẽ bị ép giá xuống nhưng anh Thắng không ngờ lại bị ép nhiều như thế.
Nhà riêng, nhà phố nội thành rao bán nhiều trong khi nhu cầu mua thấp khiến
khả năng ra hàng của phân khúc này khó khăn. Ảnh minh họa
Theo chia sẻ của anh Thắng thì căn nhà trên là khoản đầu tư anh mua vào thời điểm giữa năm 2019. Anh đã bỏ công tu sửa lại và dự kiến sẽ bán ra sau vài tháng. “Nếu không cần xoay vốn gấp tôi sẽ không đời nào sang nhượng lại với giá 15,5 tỷ đồng như hiện nay. Lúc đầu thương lượng tôi đã chấp nhận giảm xuống 300 triệu nhưng sau đó người mua tiếp tục ép giá. Môi giới tư vấn cũng chia sẻ là nếu đợi tìm người mua mới thì có thể sẽ khá lâu, giá bán cũng không chắc sẽ được như kỳ vọng”. Để chốt nhanh, anh Thắng buộc phải giảm thêm 200 triệu nữa, với mức giảm này, giá bán đã gần với chi phí anh bỏ ra mua và tu sửa căn nhà lúc đầu. Dù chưa đến mức thua lỗ nhưng tính theo lãi suất ngân hàng thì anh đã đầu tư công cốc.
Tình trạng của anh Thắng không phải là câu chuyện cá biệt trong giao dịch nhà phố những ngày gần đây. Với những chủ nhà có nhu cầu cần bán gấp, bị ép giá là chuyện khó tránh khỏi. Bà Nguyễn Hồng Duyên, chủ một căn nhà lẻ trên đường Khuông Việt, quận Tân Phú chia sẻ, bà ký gửi cho bên môi giới bán lại căn nhà 1 trệt 2 lầu từ đầu tháng 2/2020 với giá 12 tỷ đồng. Do rơi trúng mùa dịch nên không tìm được người mua, đến hiện tại khi tìm được khách nhận sang nhượng thì họ ép giá xuống chỉ còn 11 tỷ đồng. Được biết căn nhà này bà Duyên mua từ năm 2016 với giá chỉ tầm 8 tỷ đồng, bán lại giá hơn 11 tỷ như hiện nay thì không thể nói là bị thua lỗ nhưng rõ ràng nếu là theo giá thị trường khoảng 6 tháng trước, bà đã phải bán giá thấp hơn rất nhiều các căn cùng khu vực từng giao dịch trước đó.
“Cũng từng nghĩ đến chuyện mang nhà đi thế chấp vay ngân hàng nhưng số tiền vay được lại không đủ để xoay sở tình hình kinh doanh hiện tại, gia đình tôi đành chấp nhận bán ra với giá thấp hơn nhiều kỳ vọng ban đầu. Giờ khó kiếm được người mua, bản thân lại cần tiền gấp nên dù biết bị ép giá thấp cũng đành phải chấp nhận để chốt nhanh giao dịch”, bà Duyên cho biết.
Người bán nhiều, người mua quá ít
Theo tìm hiểu của Batdongsan.com.vn, xu hướng giao dịch nhà phố vẫn âm thầm diễn ra trong mùa dịch, sau thời điểm giãn cách xã hội. Do áp lực từ kinh tế chung nên nhu cầu rao bán nhà phố tăng so với thời điểm trước đó. Tuy nguồn cung không phải là quá nhiều để có thể gây ra tình trạng dư thừa khiến giá nhà phố bị ép xuống thấp, nhưng do nhu cầu mua nhà phố giai đoạn này không nhiều, khiến việc chào bán trở lên khó khăn hơn.
Xu hướng rao bán nhà phố được dự báo có thể tăng trong các tháng cuối năm nếu tình
hình dịch bệnh không được kiểm soát tốt. Ảnh: Phương Uyên
Anh Hồ Phước Đông, một môi giới nhà phố quận Tân Bình cho biết, so với đầu năm, tình hình giao dịch nhà phố, nhà lẻ đến nay vẫn không cải thiện là bao. Các năm trước, lâu nhất thì chỉ mất khoảng từ 1-2 tháng để có thể tìm khách và chốt một đơn hàng mua bán nhà phố. Với các căn tầm giá từ 3-7 tỷ đồng còn có thể bán nhanh hơn. Riêng các căn giá trị cao sẽ mất thời gian lâu hơn nhưng chưa bao giờ quá 5-6 tháng. Giờ đây, môi giới một căn nhà giá trị tầm 5 tỷ mà riêng việc đàm phán thương lượng giá cũng mất gần 1 tháng trời. Nhiều căn có giá trị trên 15 tỷ giờ có người rao nhưng không có người mua. Thậm chí có căn nhà rao bán hơn 2 tháng nay mà một cuộc gọi thương lượng giá cũng không có.
Một nhà đầu tư đã tham gia thị trường nhà phố hơn 20 năm chia sẻ, chính bản thân ông cũng không có ý định đổ tiền vào mua nhà phố trong thời điểm này dù thị trường đang có nhiều sản phẩm tốt, giá hấp dẫn. Vị này cho rằng, việc đầu tư nhà phố cần vốn lớn, nếu trong điều kiện thị trường giao dịch tốt, trong khoảng thời gian từ 5 đến 6 tháng có thể bán ra và thu hồi tài chính về. Còn với tình hình hiện nay, kinh tế đang khó khăn, đổ một số tiền lớn vào mua nhà trong khi không chắc có thể sang nhượng lại với mức lời kỳ vọng trong khoảng thời gian dự kiến là tương đối mạo hiểm. Chính vì điều này mà nhiều nhà đầu tư dè dặt hơn trong việc gom hàng. Dưới áp lực tài chính, người cần bán ra ngày càng nhiều còn nhu cầu mua vào quá ít nên người bán thời điểm này rơi vào thế bất lợi hơn.
Tìm hiểu một số công ty môi giới nhà lẻ nội thành, không thấy có nhiều giao dịch chào bán thành công. Rất nhiều chủ nhà khi được hỏi đều cho biết đây không phải là thời điểm tốt để rao bán lại nhà phố nên thị trường này khó diễn ra tình trạng bán tháo cắt lỗ. Tuy nhiên từ nay đến cuối năm nếu tình hình kinh tế chưa có biến chuyển tốt thì xu hướng rao bán nhà phố có thể sẽ tiếp tục tăng cao. Trong bối cảnh người mua có tâm lý thủ tiền, nhà đầu tư cần xoay vốn phải bán gấp thì không nên kỳ vọng vào lợi nhuận cao mà phải chấp nhận mềm mỏng hơn trong việc thương lượng với bên mua.
Phương Uyên