Kiên Hoàng, quận Đống Đa (Hà Nội), đang băn khoăn về điện thoại Galaxy Note9 "xả kho" giá 4 triệu đồng, bởi khi nhận hàng không được lắp sim dùng thử.
Trong khi Galaxy Note9 đang bán trên thị trường máy cũ với giá 6 - 7 triệu đồng, con số 3 - 4 triệu đồng trong một quảng cáo trên Facebook quá hấp dẫn.
Sau khi nhập thông tin vào website, Hoàng nhận được điện thoại của nhân viên bán hàng. Người này khẳng định mẫu Note9 của cửa hàng là hàng chính hãng Samsung, mới 100% và được bảo hành 12 tháng tại các trung tâm của Samsung trên toàn quốc.
Người nhân viên hối Hoàng đặt hàng ngay vì đồng hồ đếm ngược trên website chỉ thời gian khuyến mại sắp hết. Nhưng Hoàng lại muốn đến cửa hàng để xem trực tiếp. Người này lập tức từ chối và cho biết sản phẩm chỉ bán online. Thậm chí, khi nhận hàng, Hoàng chỉ được kiểm tra ngoại hình chứ không được lắp sim dùng thử. Thấy lạ, anh từ chối mua.
Chiêu lừa mua điện thoại "xả kho" đã có từ lâu, nhưng gần đây rộ trở lại. Trong bối cảnh Samsung sắp ra Galaxy Note mới, các cửa hàng này rao bán Galaxy Note9 giảm giá lại đúng logic, khiến người dùng tưởng thật.
Tuy nhiên, thủ đoạn dụ người dùng không thay đổi. Các đơn vị này tạo một trang web bán hàng và thu hút người mua bằng quảng cáo Google, Facebook. Trên Facebook, họ mạo danh Samsung, các cửa hàng điện thoại nổi tiếng hoặc trang thương mại điện tử lớn, như Shopee, Lazada... và chạy quảng cáo. Khi có số điện thoại của những người muốn tìm hiểu, như Kiên Hoàng, nhân viên sẽ gọi điện "chốt đơn". Hàng sẽ được giao theo dạng COD - trả tiền, nhận hàng.
Tuy nhiên, đại diện Samsung cũng như các cửa hàng điện thoại bị mạo danh cho biết không có chương trình nào cho Note9. Sản phẩm này đã ngưng trưng bày từ lâu.
Hồi tháng 8 năm ngoái, nhiều người cũng bị lừa bởi các chiêu trò bán điện thoại "xả kho, giá rẻ". Một cửa hàng mạo danh website Samsung và rao bán Galaxy Note10 vừa ra mắt với giá từ 3,5 đến 4,5 triệu đồng.
Chị Kim Hằng (quận Tân Bình, TP HCM) từng mua một sản phẩm như vậy với giá bằng nửa trên thị trường. Tuy nhiên, chiếc máy mới mua sập nguồn ngay trong lần đầu sử dụng và sau đó không thể bật lên nữa. Phụ kiện đi kèm không có thương hiệu và không thể sử dụng được. Khi liên hệ với trang thương mại điện tử, chị phát hiện ra đơn vị bán chỉ "nhái" tên tuổi của trang này. Cửa hàng sau đó cũng chặn luôn số của chị.
Samsung sau đó đã báo Đội quản lý thị trường. Sau khi bị công an thu giữ, chủ cửa hàng khai các máy trên được "mua từ Lạng Sơn" với giá 1,3 đến 1,7 triệu đồng. Cơ quan công an khi đó xác định toàn bộ số hàng trên là "hàng nhái điện thoại Samsung chính hãng".
Tham khảo mẫu Laptop đang được kinh doanh tại Laptop Long's
Lưu Quý Vnexpress